HỌC TIẾNG ANH Ở TUỔI NÀO?

Dạo này có nhiều bạn lo lắng trước thông tin không nên học tiếng Anh từ nhỏ, chỉ cho học từ năm lớp 10, có lẽ hiểu nhầm ý của một ai đó trên mạng. Rất nhiều bạn giáo viên dạy tiếng Anh cấp 2 cũng khóc ròng, vì học trò mấy nay không chịu học, nói từ từ cũng được, lớp 10 trở lên mới nên học tiếng Anh. Lên lớp 10, bài vở nặng, nhất là các bạn thi ĐH khối A và B, thời gian không nhiều nữa. Tiếng Anh mà không rành, thì cánh cửa với thế giới bên ngoài rất hẹp, vì thông tin và tri thức trên mạng, trong các thư viện lớn…phần nhiều là bằng tiếng Anh.

Nguy hiểm, quá xá nguy hiểm.

Chúng ta phải phân biệt, trong ngôn ngữ có tiếng mẹ đẻ (first language, native language hoặc mother tongue), ngôn ngữ thứ 2 (second language), ngoại ngữ (foreign language).

Tiếng Anh hiện nay không còn có nước nào xem là ngoại ngữ nữa. Các nước đều xem English là ngôn ngữ thứ 2 nếu tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Anh. Ngoại ngữ là rổ gồm Đức, Pháp, Nga, Hoa, Nhật, Tây Ban Nha, Hàn, Ý….), là môn tự chọn, ai thích gì học nấy. Ưng gái đẹp thành Rome thì học tiếng Ý, mê trai Hàn thì học tiếng Ụ Pa….nhưng tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh đều phải thành thạo từ bé. Nước nào cũng phải vậy cả.

Nếu các bạn ở nước ngoài, vào tuyển dụng, thấy một bạn họ Nguyễn vào ứng tuyển. Phỏng vấn thấy nói như Tây, thì chắc chắc là Việt Kiều, hoặc qua từ nhỏ. Nếu tinh ý nghe vài âm hơi ngọng thì hỏi đi, sẽ qua từ lớp 9, học cấp 3 ở đó. Nếu nói vô cùng lưu loát mà hơi vẫn dùng từ cổ họng, chứ chưa bật lên từ khoang bụng, thì qua từ lớp 12, học ĐH bên này. Còn lỉu li cách mấy mà chỉ dùng lưỡi, âm vẫn nặng thì đã học xong ĐH ở Việt Nam, qua đây học thạc sĩ nè, trừ vài bạn đặc biệt lắm.

Nên nếu bạn ở nước ngoài lâu mới biết, du học từ cấp 3 hay ĐH ở bển đi xin việc dễ hơn du học từ bậc thạc sĩ, ngoài việc họ thích nhận cử nhân kỹ sư để phải trả lương vừa phải hơn nhận master vào, còn có yếu tố ngôn ngữ nữa.

Nói tóm lại, ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói của một tộc người. Mình tiếp xúc càng sớm, càng dễ bắt chước hơn. Càng lớn thì người ta càng e dè, càng mắc cỡ, càng sợ sai, càng ngại. Nếu hem có điều kiện thì thôi, chứ có thì nên cho học sớm. Lựa thầy Tây, thầy bản ngữ mà học nếu được, còn không thì vẫn học thầy Việt, nhưng ở nhà thường xuyên cho nghe băng đĩa, coi phim, coi youtube…tiếng Anh hết để nghe quen tai, tự khắc miệng nó cũng điều chỉnh theo cho giống giống.

Mượn lời nhạc Trịnh để trả lời câu hỏi “tuổi nào”.

“Em xin tuổi nào?
còn tuổi nào cho nhau ?
Trời xanh trong mắt em sâu”.

Hỏi:

Tuổi nào học ngôn ngữ thứ 2?

– Câu trả lời của nhân loại bây giờ là “càng sớm càng tốt, the younger the better”.

Còn học ngoại ngữ?

-Tuổi nào cũng được.

Như người ấy nè, 50 tuổi bỗng dưng mê văn hoá Ba Tư, bèn học tiếng Ả Rập. Xong bị Ả dập. Hí hí.

Nguồn: Tony Buổi Sáng